Hà Giang có gì đẹp mà dân tình cứ ra rả gọi nhau đi du lịch chốn này?
(10/08/2017)
Với những người chưa một lần đến Hà Giang chắc luôn có trong đầu mình câu hỏi "Hà Giang có gì đẹp" mà dân tình cứ quanh năm suốt tháng ra rả đòi đi du lịch, đi phượt Hà Giang.
Còn đối với những ai đã từng đặt chân đến Hà Giang, chắc chắn sẽ thấy Hà Giang có quá nhiều thứ đẹp, đến nỗi đi một lần rồi lại muốn đi lần nữa, rồi lại lần nữa để từng chút, từng chút một khám phá hết những thứ đẹp đẽ dưới đây vào mỗi thời điểm, trong suốt 12 tháng ở Hà Giang:
1. Hà Giang tháng 1, 2, 3
+ Hoa đào
Hoa đào ở Hà Giang nở rất nhiều trong tầm từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, nhưng nếu muốn ngắm được hoa đào đẹp nhất, đang ở độ thắm và còn chút e ấp thì bạn phải đến Hà Giang vào tầm giữa tháng 1 đến đầu tháng 2.
Hoa đào nở rộ trên trục đường Đồng Văn - Mèo Vạc
Đào ở Hà Giang thì đâu đâu cũng có, thậm chí vào các bản làng, nhà nào cũng có một đến vài cây đào được trồng xung quanh nhà. Tuy nhiên có một điểm ngắm hoa đào vô cùng đẹp và rực rỡ, đó là cung đường Đồng Văn - Mèo Vạc.

Đâu đâu ở Hà Giang cũng có sắc đào tươi thắm mỗi độ xuân về
Đào ở đây được trồng rất nhiều và san sát nhau, cứ mỗi độ tháng 1, tháng 2 đến, từng nhánh hoa kết lại với nhau tạo thành những trảng hoa màu hồng tươi hay đỏ sẫm vô cùng mê hoặc, đảm bảo được ngắm 1 lần bạn sẽ nhớ mãi không thôi.

Cận cảnh sắc hoa đào Hà Giang tươi thắm
+ Hoa mận
Ngoài hoa đào thì tầm tháng 1, 2 và tháng 3, Hà Giang còn chào đón các bạn bằng những sắc hoa mận trắng tinh khôi. Chẳng rực rỡ như hoa đào, nhưng hoa mận trắng lại góp phần điểm xuyết thêm cho bức tranh phong cảnh Hà Giang những ngày đầu xuân thêm yêu kiều và tráng lệ.
Hoa mận ở Hà Giang

Hoa mận trắng tinh khôi tô điểm cho khung cảnh Hà Giang thêm rực rỡ
+ Lễ hội chọi trâu
Lễ hội trọi trâu ở Hà Giang diễn ra vào tháng giêng âm lịch hàng năm, tức là vào khoảng tháng 2 dương lịch, khi mà đồng ruộng đã thu hoạch hết những bắp ngô, hạt lúa thì cũng là lúc những chú trâu ở Hà Giang đang nghỉ ngơi, dưỡng sức để tham gia lễ hội trọi trâu sôi động, chỉ diễn ra duy nhất 1 lần trong năm.
Lễ hội chọi trâu ở Hà Giang
Lễ hội diễn ra ở một vùng đất trống, là trung tâm của các bản làng xung quanh đó. Trong không khí náo nhiệt, ngập tràn tiếng hò reo, cổ vũ, tiếng trống, tiếng chiêng, những chú trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi sừng dài va vào nhau kêu chan chát kèm theo những pha rượt đuổi, những cú móc sừng kinh điển... Tất cả tạo nên một khung cảnh cực kỳ sôi động và thú vị.
+ Lễ hội đấu ngựa
Nếu muốn xem lễ hội đấu ngựa (chọi ngựa), bạn phải tìm đến được xã Bằng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Tuy là lễ hội truyền thống của người dân ở Hà Giang nhưng những chú ngựa chọi lại được tuyển lựa và quy tụ từ khắp các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang...Vòng sơ khảo sẽ có 30 chú ngựa được tham gia tranh tài, sau đó nhưng chú ngựa thắng trận lại tham gia thi đấu với nhau theo hình thức loại trực tiếp để tìm ra chú ngựa mạnh nhất.

Lễ hội chọi ngựa ở Hà Giang
Tuy không gay cấn như lễ hội chọi trâu nhưng lễ hội chọi ngựa cũng thu hút rất nhiều người tham gia cổ vũ, với những màn tranh tài đấu sức vô cùng đẹp mắt của những chú ngựa vùng cao.
+ Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng diễn ra vào mùa xuân ở Hà Giang thực ra là một nghi lễ truyền thống được người dân tổ chức để cầu mong một năm mới với mùa màng bội thu, mọi người dân trong bản làng đều có sức khỏe tốt và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Lồng Tồng Hà Giang
Lễ hội Lồng Tồng có nhiều nghi thức rất trang trọng, đầu tiên phải kể đến nghi thức gầy ruộng. Theo như phong tục truyền thống, người đàn ông cày giỏi nhất trong bản sẽ vạch một đường cày đầu tiên trên thửa ruộng để báo hiệu cho một vụ mùa tươi tốt, tiếp theo sẽ đến nghi lễ cúng tế, và cuối cùng là màn ném còn đầy vui tươi rộn rã.
+ Lễ hội mừng thọ
Khi mùa xuân bắt đầu thì cũng là lúc người Tày ở Hà Giang đang háo hức chuẩn bị lễ hội mừng thọ cho ông bà, bố mẹ và những người lớn tuổi trong làng. Nghe thì có vẻ không có gì đặc sắc vì ở hầu hết mọi nơi đều có phong tục mừng thọ cho người lớn tuổi, nhưng ở Hà Giang, đó không chỉ là phong tục mà còn là lễ hội, mà đã gọi là lễ hội thì chắc chắn sẽ có những điều khác biệt so với lễ mừng thọ ở những nơi khác.Đầu tiên phải kể đến cách chọn số tuổi của người được mừng thọ để làm lễ. Những người cao niên có số tuổi lẻ, nhất là những người 73 tuổi sẽ được chọn để làm lễ mừng thọ, vì theo quan niệm của người Tày, đây là năm đại hạn của người đó nên lễ mừng thọ cũng chính là lễ giải hạn dành cho họ.
Người làm các nghi lễ mừng thọ được gọi là thầy Tạo hay thầy Pựt - người được dân làng tín nhiệm và có kiến thức sâu rộng. Lễ mừng thọ diễn ra với rất nhiều nghi thức trang trọng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về nghi lễ này trên Wikipedia để biết rõ hơn nhé!
+ Được thưởng thức thịt gác bếp
Vì là thời gian nghỉ ngơi, ăn chơi của người Hà Giang nên nếu đến đây vào độ tháng 1, tháng 2 hay tháng 3, bạn sẽ thấy nhà nào nhà nầy đầy ắp món thịt gác bếp, nhà thì thịt lợn, thịt trâu rồi thịt bò, có nhà còn làm thịt gà hay cá gác bếp để chiêu đãi những người khách từ phương xa đến.
Đến Hà Giang vào mùa xuân, bạn sẽ được thưởng thức thịt gác bếp no nê
Đã được ngắm hoa đào, hoa mận đẹp lại còn được thưởng thức những miếng thịt gác bếp thơm nồng, đậm vị, dai dai bên cạnh bếp lửa hồng ấm áp thì thật là tuyệt vời phải không các bạn?
+ Mùa trồng ngô, nương rẫy lúc nào cũng rộn ra tiếng cười nói
Mùa xuân cũng là lúc người Hà Giang tấp nập lên nương để gieo trồng vụ ngô mới. Những hạt ngô giống căng tròn được người ta cho vào một chiếc giỏ nhỏ rồi đeo bên hông, sau đó một tay cầm gậy đâm xuống nền đất một lỗ nhỏ, tay kia cầm một nắm ngô giống và thả vào mỗi lỗ vừa đâm một hạt, thế là đã tạo nên một mầm sống mới.Trong lúc gieo trồng, để xua tan cái mệt mỏi và lạnh giá, những người nông dân vừa tranh thủ làm vừa nói với nhau dăm ba câu chuyện, thỉnh thoảng vui đùa tếu táo rồi cười vang rộn rã cả một vùng trời. Được chứng kiến cảnh ấy, chắc chắn bạn sẽ thấy có một cảm giác bình yên và thân thương đến lạ thường.
2. Hà Giang tháng 4
+ Chợ tình Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai (Khau Vai) ở Hà Giang chỉ diễn ra duy nhất và đúng một ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm, tức là vào khoảng tháng 4 dương lịch. Trước đây, chợ là nơi gặp gỡ của những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, sau đó cứ mỗi năm, vào ngày này, họ lại đến phiên chợ Khâu Vai để tâm tình, giãi bày và kể cho nhau nghe về cuộc sống sau khi chia tay của mỗi người.
Chợ tình Khâu Vai
Ngày nay, chợ còn là nơi người dân buôn bán rất nhiều thứ hàng hóa, đặc sản của người Hà Giang, cũng là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu phong tục truyền thống này.
Chợ Tình Khâu Vai có lịch sử cách đây hàng trăm năm và có hẳn một truyền thuyết ly kỳ về phiên chợ truyền thống này. Bạn có thể lên Wikipedia để tìm hiều thêm nhé!
3. Tháng 5, 6
+ Mùa nước đổ ải
Tháng 5, tháng 6 là mùa những cơn mưa rào ào ào trút nước xuống những con sông, con suối ở Hà Giang để chuẩn bị cho người dân bắt đầu một vụ lúa mới.
Hà Giang mùa nước đổ
Nước từ sông suối theo những con mương chảy vào từng cánh ruộng bậc thang, ngấm vào đất rồi xâm xấp đến mặt, chỉ có thế thôi mà cũng tạo nên một khung cảnh đặc sắc và đẹp đẽ đến lạ thường.
+ Mùa đi hái măng rừng
Hết mùa xuân cũng là lúc người dân lên núi hái măng rừng về làm thực phẩm. Ở trên rẻo cao ấy, chẳng có sẵn thực phẩm hay đồ ăn thức uống như ở dưới xuôi, nên khi cây ngô mới mọc, hạt lúa chưa cấy thì măng và rau rừng cũng chính là nguồn thực phẩm giúp người dân Hà Giang có những bữa cơm no bụng.
Mùa đi hái măng rừng ở Hà Giang
+ Tối đến người dân nô nức đi bắt cua, lươn, ếch ngoài đồng ruộng
Khi những thửa ruộng bậc thang ngập nước thì cũng là lúc lươn, ếch, nhái và cua đồng sinh sôi nảy nở. Chỉ cần vài tiếng buổi tối đi lên ruộng là người ta có thể bắt được rất nhiều ếch, lươn, cua, nhái về làm thực phẩm cải thiện cho bữa ăn của mình.4. Hà Giang tháng 7
+ Mùa cấy
Hết tháng 6, khi từng thớ đất đã thấm đẫm nước cùng các chất dinh dưỡng cũng là lúc người dân ra đồng gieo cấy vụ mới. Khung cảnh Hà Giang lúc này cũng rộn rã và tấp nập như khi vào vụ trồng ngô tầm tháng 2, tháng 3 dương lịch ấy các bạn ạ!
Mùa cấy tháng 7 ở Hà Giang
5. Tháng 8
+ Thời điểm những ruộng lúa bậc thang xanh mướt
Sau một tháng no nê tinh khí của đất trời, những cây lúa xanh tươi bắt đầu phát triển mạnh mẽ tạo thành từng trảng, từng trảng phủ lên núi rừng Hà Giang một màu xanh mướt mắt.
Tháng 8 là lúc những thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang xanh mướt mắt
+ Mùa thu hoạch ngô
Tháng 8 cũng là thời điểm thu hoạch những bắp ngô nặng hạt sau nửa năm gieo trồng và chăm sóc. Ngô nếp ở Hà Giang có vị ngọt, thơm và dẻo khác hẳn so với ngô trồng dưới xuôi. Đặc biệt, dưới bàn tay khéo léo của người dân, những hạt ngô còn được chế biến thành món bánh ngô vàng óng ngon không cưỡng nổi, làm mê đắm dạ dày của không biết bao nhiêu du khách.Ngoài bánh, ngô ở đây còn được sử dụng để làm rượu ngô nữa các bạn ạ! Nếu ai đã từng được thưởng thức rượu ngô chắc hẳn sẽ không thể nào quên cái vị cay xè nơi đầu lưỡi nhưng vào đến miệng lại ngọt và thơm đến lạ lùng. Rượu ngô đặc biệt rất trong, êm và không có vị nồng như rượu gạo, rượu sắn nên uống vào, cẩn thận bạn say lúc nào không biết đâu đấy nhé!

Nấu rượu ngô ở Hà Giang
6. Tháng 9, tháng 10
+ Mùa lúa chín
Thời điểm được mong chờ nhất trong năm ở Hà Giang chính là độ tháng 9, tháng 10 dương lịch, khi mà người dân bắt đầu thu hoạch những hạt lúa chín vàng, khởi đầu cho những ngày gạo đầy nồi, thóc đầy khoang còn du khách thì được chiêm ngưỡng sắc vàng rực rỡ của những ruộng lúa chín vàng tầng tầng lớp lớp.
Mùa lúa chín ở Hà Giang
À quên, không chỉ có lúa chín mà ở Tú Lệ, Hà Giang còn có một món ăn cực kỳ ngon được làm từ lúa, nhưng phải là lúa non chỉ có vào tầm khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch - đó là cốm.
Cốm ở Tú Lệ được làm từ những bông lúa nếp căng tròn nhưng chưa chín hẳn. Sau khi cắt lúa non về, người ta sẽ cho vào guồng quay để tách lấy thóc. Thóc sau đó sẽ được giã bằng tay trong những chiếc cối đá đến khi nào tách hết vỏ và nhân bên trong se lại, dẻo quánh, thơm lừng là được.
Lúa nếp non làm cốm còn khi những bông lúa nếp đã chín hẳn và được thu hoạch xong xuôi, bạn sẽ được thưởng thức món xôi nếp mới cũng hấp dẫn không kém. Cứ thử một lần đi, đảm bảo bạn sẽ thấy xiêu lòng trước món ăn đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng hấp dẫn này của người dân Tú Lệ ở Hà Giang.
+ Thời điểm gieo hạt tam giác mạch
Thu hoạch lúa xong xuôi, chỉ kịp nghỉ ngơi độ vài ngày là người dân ở Hà Giang lại tiếp tục đi gieo trồng hạt tam giác mạch. Cuộc sống khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên quanh năm người dân ở đây phải cày cấy, lao động mới đủ ăn thế đó. Nếu có cơ hội đến Hà Giang lúc hoa tam giác mạch nở, bạn hãy cố gắng nhẹ nhàng và trân trọng công sức lao động của họ nhé!7. Tháng 11
+ Mùa hoa tam giác mạch nở rộ
Tam giác mạch chỉ mất tầm 1 tháng là đã trổ ra những bông hoa yêu kiều, xinh xắn, vì thế tháng 11 đến cũng là lúc đâu đâu ở Hà Giang cũng tràn ngập sắc hoa tam giác mạch đẹp đến nao lòng.
Tháng 11 là lúc hoa tam giác mạch nở rộ ở Hà Giang
Muốn tận mắt ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp nhất, bạn hãy đến với Yên Minh, Đồng Văn hoặc Mèo Vạc, những nơi được coi là thủ phủ của hoa tam giác mạch ở Hà Giang nhé!
+ Thời điểm cao nguyên đá Đồng Văn và phố cổ Đồng Văn ngập trong sương mù
Đến Hà Giang vào tháng 11, bạn còn được chứng kiến cảnh tượng cao nguyên đá Đồng Văn và phố cổ Đồng Văn ngập trong sương mù dày đặc, tựa như những bức tranh thủy mặc của người Tàu vậy.Thử tưởng tượng cảm giác 7 - 8 giờ sáng mới mở mắt dậy, người vẫn vùi trong chăn ấm, ngó ra ngoài cửa sổ lại được chứng kiến khung cảnh tuyệt vời như vậy quả là đã không phí bao công sức chèo đèo lội suối để đến với Hà Giang đúng không nào các bạn?
+ Mùa hoa cúc cam nở rộ
Những ai chưa từng đến Hà Giang chắc vẫn còn khá lạ lẫm với cái tên hoa cúc cam, nhưng ai đã đến Hà Giang một lần vào độ tháng 11 chắc hẳn sẽ phải mê đắm và nhớ nhung sắc tươi thắm của loài hoa dại xinh xắn này.
Mùa hoa cúc cam nở rộ ở Hà Giang
8. Hà Giang tháng 12
+ Mùa hoa cải vàng
Tháng 12 đến cũng là lúc những ruộng cải ở Hà Giang được khoác lên mình tấm áo màu vàng tươi rực rỡ, thôi thúc bước chân của những ai yêu cái đẹp, yêu khám phá đến với Hà Giang để chứng kiến cảnh tượng chỉ có mỗi năm duy nhất 1 lần này.
Hoa cải vàng tháng 12 khiến Hà Giang trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết
+ Mùa thu hoạch hạt tam giác mạch
Tháng 12 cũng là lúc người dân Hà Giang thu hoạch hạt tam giác mạch về làm thực phẩm. Hạt tam giác mạch có thể dùng để nấu cháo, nhưng đặc sắc nhất phải kể đến món bánh tam giác mạch mà chỉ có đến Hà Giang vào tháng 12 bạn mới có thể được thưởng thức món ăn này ngon lành nhất.
Bánh tam giác mạch
>>> Đặt tour du lịch Hà Nội Hà Giang giá chỉ 2250k ngay để được chiêm ngưỡng và thưởng thức vô vàn những cái đẹp và đặc sản Hà Giang ở trên các bạn nhé!
Anbinh Travel
Các tin khác
- Hoa tam giác mạch và những điều thú vị chưa bao giờ bạn biết đến
- Hà Giang có gì đẹp mà dân tình cứ ra rả gọi nhau đi du lịch chốn này?
- 14 khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang giá chỉ từ 150k
- Tất tần tật kinh nghiệm đi tour du lịch Hà Nội - Hà Giang từ A-> Z, chỉ từ 2250k
- Kinh nghiệm chọn khách sạn Hà Giang giá chỉ từ 250 - 400k/đêm
- Du lịch Hà Giang 2 ngày 1 đêm không đến 2 triệu, vui chơi tới bến
- Quá hối hận vì lựa chọn đến du lịch Hà Giang trong 2 ngày 1 đêm
- 3 khách sạn Hà Giang giá rẻ dưới 300k thích hợp cho người đi du lịch tự túc
- Kinh nghiệm du lịch phượt Hà Giang 3 ngày 4 đêm với chi phí chỉ 750k/ người
- Nắng à! Nếu tôi đi Hà Giang lần nữa, liệu tôi có được gặp lại em?